Hướng dẫn cách đánh giá dữ liệu, thông tin và các nội dung trên trang web
Với sự phát triển của Internet, các cá nhân cũng có thể là một kênh báo, một kênh truyền thông đưa tin. Do đó có nhiều thông tin khác nhau được đưa lên, làm sao để biết tin tốt, tin xấu, tin đúng, tin sai. Có phương pháp hay tiêu chuẩn nào để đánh giá, nhận diện để không bị lạc lối. Sau đây là một số cách mà người dùng có thể sử dụng để đánh giá xem một trang web hay một nội dung trên trang web có đáng tin cậy
hay không và liệu thông tin người dùng tìm thấy là đúng hay sai.
Trước tiên, người dùng cần biết về cá nhân
hoặc cơ quan, tổ chức đã công bố thông tin đó và mục đích là gì, tức là nguồn gốc của thông tin? Trong khi một số cá nhân hay tổ chức sản xuất, tạo
lập nội dung số với mong muốn chia sẻ thông tin hữu ích trực tuyến thì cũng có
những người khác cung cấp thông tin lên
môi trường mạng vì động cơ không đúng đắn (ví dụ những tin giật gân, thu hút
nhiều lượt đọc, tìm kiếm vì mục đích lợi nhuận; hoặc những thông tin nhằm định
hướng sai lệch đạo đức, quy phạm, v.v.). Vì vậy, người dùng cần tránh dựa hoàn
toàn vào thông tin từ các nguồn thông tin không khách quan.
Ví dụ: Nếu
người dùng tìm thấy một bài báo nói rằng mọi người nên mua thực phẩm chức năng
vì ngày càng có nhiều người bị ung thư và sau đó người dùng thấy rằng tác giả của
bài viết là một công ty bán thực phẩm chức năng, có khả năng nhà xuất bản của
bài viết đang chia sẻ thông tin không khách quan. Thông tin không khách quan
không phải lúc nào cũng xấu. Cũng có các blogger cá nhân, những người xuất bản
bài viết để chia sẻ suy nghĩ và ý tưởng của riêng họ, có thể trình bày thông
tin có giá trị. Tuy nhiên, người dùng nên nhận thức được sự thiên vị của bất kỳ
tác giả nào đối với thông tin mà ta tiếp nhận.
Thứ hai, kiểm tra tên miền. Loại tên miền
mà trang web được lưu trữ trên đó có thể cho người dùng biết một phần về loại
nội dung người dùng đang xem. Các trang web kết thúc bằng đuôi “.gov.vn” thường
là các trang web chính thức của Chính phủ. Các trang web kết thúc bằng
“.edu.vn” thường được xuất bản bởi
các tổ chức giáo dục và các trang web kết thúc bằng “.org” là các tổ chức quốc
tế. Hoặc các trang web được sử dụng cho thương
mại thường kết thúc bằng đuôi
“.com”. Dựa vào tên miền của trang web, người dùng cũng có thể đánh giá mức độ
chính xác hoặc sai lệch của thông tin mà trang web cung cấp.
Thứ ba, kiểm tra thời gian của thông tin được cung cấp bởi trang web. Ví dụ,
người dùng muốn tìm kiếm thông tin về “tỷ lệ học sinh Hà Nội thi đỗ vào trường
công lập 2 năm gần đây”. Kết quả tìm kiếm của các trang
web cho ta thông tin về
tỷ lệ học sinh Hà Nội thi đỗ vào trường công lập của những năm 2015 chẳng hạn,
cũng là các thông tin không còn phù hợp với nhu cầu tìm kiếm của ta vì rất nhiều điều đã thay đổi kể từ đó. Do đó, khi tìm kiếm thông tin trên internet, người dùng kiểm tra ngày
mà thông tin được cung cấp trên trang web đó để xác định xem những thông
tin đó có hiện hành và phù hợp với nhu cầu của người dùng không.
Thứ tư, người dùng phải luôn kiểm tra nhiều nguồn thông tin. Tránh dựa vào một
nguồn thông tin duy nhất tìm kiếm được. Càng kiểm tra từ nhiều nguồn, người dùng càng dễ xác minh tính chính xác của thông
tin mà người dùng tìm được.
Thứ năm, người dùng cũng cần phải phân biệt
giữa các thông tin nhằm thu hút lượt
xem, lượt đọc, lượt truy cập vì mục đích không đúng đắn, thông tin xấu độc với
thông tin từ kết quả nghiên cứu đáng tin cậy. Ví dụ, các tiêu đề giật gân hoặc
nửa vời dễ kích thích trí tò mò của người đọc là những dạng thông tin xấu độc
cần loại bỏ.