Từ cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản chuyển từ giai đoạn tự do
cạnh tranh sang chủ nghĩa đế quốc. Các nước tư bản đế quốc thực hiện chính
sách: bên trong tăng cường bóc lột nhân dân lao động, bên ngoài gia tăng các
hoạt động xâm lược và áp bức nhân dân các dân tộc thuộc địa. Sự thống trị của
chủ nghĩa đế quốc làm đời sống nhân dân lao động trên thế giới trở nên cùng
cực. Mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa thực dân ngày càng gay
gắt. Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc diễn ra mạnh mẽ ở các nước thuộc
địa.
Năm 1917, với thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga, chủ nghĩa
Mác - Lênin từ lý luận đã trở thành hiện thực, mở ra một thời đại mới trong
lịch sử loài người; là ánh sáng soi đường cho các dân tộc bị áp bức đứng lên
đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.
Tháng
3 năm 1919, Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) ra đời đã thúc đẩy sự phát triển
mạnh mẽ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Đối với Việt Nam, Quốc tế
Cộng sản có vai trò quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin và
thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam và từng bước thiết lập
bộ máy thống trị, biến nước ta từ một quốc gia phong kiến thành một xứ thuộc
địa, dân ta là vong quốc nô, Tổ quốc ta bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù
hung ác. Chính sách thống trị của thực dân Pháp đã làm cho xã hội Việt Nam có
nhiều thay đổi.
Về chính trị, thực dân Pháp thi hành chính
sách cai trị thực dân, tước bỏ quyền lực đối nội, đối ngoại của chính quyền
phong kiến nhà Nguyễn, đó là một chính sách chuyên chế điển hình, chúng đàn áp
đẫm máu các phong trào và hành động yêu nước của người Việt Nam, mọi quyền tự
do bị cấm. Chúng chia rẽ ba nước Đông Dương, chia Việt Nam thành ba kỳ (Bắc Kỳ,
Trung Kỳ, Nam Kỳ) và thực hiện ở mỗi kỳ một chế độ cai trị riêng.
Trước sự xâm lược của thực dân Pháp, các cuộc khởi nghĩa và các
phong trào đấu tranh của Nhân dân ta diễn ra liên tục và mạnh mẽ. Tuy nhiên, do
thiếu đường lối đúng đắn, thiếu tổ chức và lực lượng cần thiết nên các phong
trào đó đã lần lượt thất bại. Phong trào yêu nước theo ý thức hệ phong kiến như
phong trào Cần Vương đã chấm dứt với sự thất bại của cuộc khởi nghĩa Hương Khê
do Phan Đình Phùng lãnh đạo (1896); phong trào nông dân Yên Thế của Hoàng Hoa
Thám kéo dài 30 năm cũng không giành được thắng lợi. Phong trào yêu nước theo
khuynh hướng dẫn chủ tư sản do các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lương Văn
Can lãnh đạo cùng rơi vào bế tắc. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Nguyễn Thái Học
lãnh đạo cũng bị thất bại,... Cách mạng Việt Nam chìm trong cuộc khủng hoảng
sâu sắc về đường lối cứu nước.
Giữa lúc dân tộc ta đứng trước cuộc khủng hoảng về đường lối cứu
nước thì ngày 5/6/1911 người thanh niên Nguyễn Tất Thành (tức Nguyễn Ái Quốc,
Hồ Chí Minh sau này) ra đi tìm đường cứu nước theo phương hướng mới. Với khát
vọng cháy bỏng giành độc lập tự do cho dân, cho nước, Nguyễn Tất Thành đã bất
chấp mọi nguy hiểm, gian khổ, đi qua nhiều nước của châu Âu, châu Phi, châu Mỹ
và đã rút ra chân lý: Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc thực dân là cội nguồn
mọi đau khổ của công nhân và nhân dân lao động ở chính quốc cũng như ở các nước
thuộc địa.
Đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành tham gia Đảng Xã hội Pháp. Tháng 6
năm 1919, với tên mới là Nguyễn Ái Quốc, Người thay mặt những người yêu nước
Việt Nam gửi đến Hội nghị Véc-xây Bản yêu sách của nhân dân An Nam gồm 8 điểm
đòi Chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do dân chủ và quyền bình đẳng
của dân tộc Việt Nam.
Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc được đọc bản “Sơ thảo lần thứ
nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin
đăng trên báo Nhân đạo và cũng chính từ đây đã giải đáp cho Người con đường đấu
tranh giành độc lập tự do thực sự cho dân tộc, cho đồng bào mình.
Từ ngày 25 đến 30/12/1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ
18 Đảng Xã hội Pháp với tư cách đại biểu Đông Dương. Kết thúc Đại hội ngày
30/12/1920, Nguyễn Ái Quốc tán thành thành lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành
một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, và cũng là người Cộng sản
đầu tiên của dân tộc Việt Nam.
Từ năm 1921-1930, Nguyễn Ái Quốc vừa tiếp tục hoạt động trong Đảng
Cộng sản Pháp, nghiên cứu bổ sung và hoàn thiện tư tưởng cứu nước, vừa tích cực
truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước
Việt Nam. Người tập trung chuẩn bị về tổ chức và cán bộ, lập ra Hội Việt Nam
cách mạng Thanh niên (1925), tổ chức nhiều lớp đào tạo cán bộ tại Quảng Châu,
Trung Quốc, đồng thời gửi cán bộ đi học tại trường Đại học Phương Đông (Liên
Xô) và trường Lục quân Hoàng Phố (Trung Quốc).
Nhờ
hoạt động không mệt mỏi của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và nhiều đồng chí cách mạng
tiền bối đến cuối năm 1929, đầu năm 1930, những điều kiện cho sự ra đời của một
Đảng vô sản ở Việt Nam đã chín muồi.
Đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn cách mạng, ngày 17/6/1929, Kỳ
Bộ Bắc Kỳ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên đã thành lập Đông Dương Cộng sản
Đảng tại Hà Nội. Tháng 11/1929, các đồng chí Tổng bộ và Kỳ Bộ Nam Kỳ của Hội
Việt Nam cách mạng Thanh niên quyết định thành lập An Nam Cộng sản Đảng. Ngày
01/01/1930, những đại biểu ưu tú của Tân Việt cách mạng Đảng (một tổ chức tiền
thân của Đảng) đã họp và thành lập Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn ở Trung Kỳ.
Tuy nhiên ở một nước có tới ba tổ chức cộng sản nên không tránh khỏi sự phân
tán về lực lượng và tổ chức, không thể thống nhất về tư tưởng và hành động.
Trách nhiệm lịch sử là phải thành lập một Đảng Cộng sản duy nhất, chấm dứt tình
trạng chia rẽ phong trào Cộng sản ở Việt Nam.
Từ ngày 6/01 đến ngày 7/2/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng
sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp ở bán đảo Cửu Long thuộc Hồng Kông
(Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt cho Quốc tế
Cộng sản. Trong Hội nghị thành lập Đảng, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đề ra 5 điểm
lớn cần thảo luận và thống nhất, trước hết là tự phê bình và phê bình, “Bỏ
mọi thành kiến xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm cộng sản
Đông Dương”. Hội nghị đã nhất trí thống nhất các tổ chức cộng sản
thành lập một đảng, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị đã thông qua
các văn kiện gồm: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt,
Điều lệ vắn tắt của Đảng và Lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt
Quốc tế Cộng sản và Đảng
Cộng sản Việt Nam gửi đến công nhân, nông dân, binh
lính, thanh niên, học sinh và tất cả đồng bào bị áp bức, bóc lột nhân dịp thành
lập Đảng. Trong đó, Chánh cương vắn tắt của Đảng và sách lược vắn tắt của Đảng
phản ánh nội dung cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội
nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản có ý nghĩa như Đại hội thành lập Đảng.
Tại
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9/1960) đã quyết nghị lấy ngày
3 tháng 2 dương lịch mỗi năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với Cương lĩnh chính trị đầu tiên đã
mở ra thời kì mới cho cách mạng Việt Nam - thời kì đấu tranh giành độc lập dân
tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng ra đời, đã xác định
được những nội dung cơ bản nhất của con đường cách mạng Việt Nam; đáp ứng được
những nhu cầu bức thiết của lịch sử và trở thành ngọn cờ tập hợp, đoàn kết
thống nhất các tổ chức cộng sản, các lực lượng cách mạng và toàn thể dân tộc.
Sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là một bước ngoặt vô cùng
quan trọng của lịch sử cách mạng Việt Nam, quyết định sự phát triển của dân
tộc, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối và tổ chức lãnh đạo của phong trào
yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX. Đó là kết quả của sự vận động, phát triển và
thống nhất phong trào cách mạng trong cả nước; sự chuẩn bị công phu về mọi mặt
của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và sự đoàn kết nhất trí của những chiến sỹ tiên phong
vì lợi ích của giai cấp, của dân tộc.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là thành quả của sự kết hợp chủ
nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam; chứng
tỏ giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành, đủ sức lãnh đạo cách mạng.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và việc Đảng chủ trương cách mạng
Việt Nam là một bộ phận của phong trào cách mạng thế giới, đã tranh thủ được sự
ủng hộ to lớn của cách mạng thế giới, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của
thời đại làm nên những thắng lợi vẻ vang; đồng thời đóng góp tích cực vào sự
nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ của nhân loại trên thế
giới.
Kỷ niệm 95 năm Ngày thành
lập Đảng Cộng sản Việt Nam, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tăng cường đoàn
kết, thống nhất, phát huy tinh thần cách mạng, truyền thống quý báu của Đảng,
nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi mục
tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng, hướng tới Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm
kỳ 2025 - 2030 và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, quyết tâm
xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng
theo định hướng xã hội chủ nghĩa./.